Đại sứ quán được thông báo về sự việc này vào ngày 9/3. Theo yêu cầu của Bộ Công Thương, Đại sứ quán đã có buổi làm việc với các cán bộ của Vụ Thị trường Âu Mỹ ngay trong ngày 9/3 để xem xét vụ việc. Ngay sau khi kết thúc buổi làm việc, tối ngày 9/3, Đại sứ quán đã gửi công văn tới các cơ quan chức năng Italia, chuyển văn bản đề nghị của phía Việt Nam về việc tạm dừng giao container tại Italia.
Ngày 10/3 Đại sứ Việt Nam tại Roma đã có buổi làm việc với Bộ Ngoại giao Italia. Đồng thời, Tổng Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Napoli kết hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Roma đã có các cuộc tiếp xúc với các cơ quan chức năng Italia trên tinh thần hợp tác song phương chân thành.
Sau các cuộc tiếp xúc trên, Cảnh sát Kinh tế Italia đã ngay lập tức tiến hành các biện pháp ngăn chặn đầu tiên, trong khuôn khổ pháp luật cho phép, để phong tỏa các container đã cập cảng.
Theo Đại sứ quán Italia đây là một vụ việc phức tạp và cần phải xác định rõ sự việc và xác minh trách nhiệm của tất cả các chủ thể có liên quan. Rất hiếm khi xảy ra gian lận thương mại giữa Ý và Việt Nam do các biện pháp kiểm soát rất chặt chẽ. Với 41 triệu đô sản phẩm nhập khẩu năm 2021, Italia là thị trường tiêu thụ hạt điều quan trọng của Việt Nam.
Đại sứ quán Italia cam kết thúc đẩy các mối quan hệ kinh doanh công bằng và có lợi cho tất cả các bên.
* Theo thông tin từ Bộ Công Thương, sau khi nắm bắt thông tin về vụ việc, bộ đã chỉ đạo Tham tán Thương mại tại Italia trực tiếp đến các cảng Genova, Napoli là những nơi mà các lô hàng được đưa đến, làm việc với đơn vị quản lý cảng, hãng tàu, ngân hàng và chính quyền địa phương, đề nghị tạm thời chưa tiến hành giao hàng để có thời gian làm rõ vụ việc.
Hiện cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Italia cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận luật sư tại Italia để tư vấn, tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết giúp doanh nghiệp Việt Nam kiểm soát các lô hàng.
“Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã liên hệ với công ty môi giới các hợp đồng mua bán hạt điều nói trên, đề nghị cung cấp thông tin và tích cực hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để xử lý, đảm bảo lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam. Bộ đã có công hàm gửi Đại sứ quán Italia tại Việt Nam, cử cán bộ đến làm việc với Đại sứ quán, đề nghị Đại sứ quán phối hợp với các cơ quan của Việt Nam để giải quyết vụ việc”, Bộ Công Thương cho biết.
Đến nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã có công thư gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Italia đề nghị các Bộ trưởng của Italia quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các cơ quan của Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Italia nhằm nhanh chóng giải quyết vụ việc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như hình ảnh và uy tín của các doanh nghiệp Italia.
Hiện nay vẫn chưa có kết luận về bản chất của vụ việc, tuy nhiên qua vụ việc này, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu cần kiểm tra, xác thực kỹ đối tác qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có kênh cơ quan Thương vụ Việt Nam tại các nước.
“Các doanh nghiệp nên trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu rõ, nắm vững nội dung các điều khoản của hợp đồng, các nghĩa vụ của mỗi bên, các trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường... Các doanh nghiệp cũng lưu ý các biện pháp phòng ngừa và quản trị rủi ro, trong đó có việc mua bảo hiểm đầy đủ và chủ động thuê tàu, kiểm soát các khâu trong chuỗi logistics”, Bộ Công Thương khuyến cáo./.