Ông LÊ NHƯ TIẾN, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội:
Những kỷ niệm sâu sắc
Tôi rất may mắn có hai nhiệm kỳ cùng là đại biểu Quốc hội với đồng chí Nguyễn Phú Trọng vào các khóa XII, XIII. Lúc đó, đồng chí là Chủ tịch Quốc hội, sau này là Tổng Bí thư của Đảng ta. Qua tiếp xúc, làm việc và nghiên cứu, xem xét các chủ trương, quyết sách lớn mà Tổng Bí thư đã đưa ra, tôi thấy đồng chí là con người vừa có tâm, tầm, trí tuệ, vừa nhiệt huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và là một nhân cách lớn. Đặc biệt, đồng chí luôn luôn là con người hết sức vì dân, vì nước, vì sự nghiệp của Đảng; lúc nào đồng chí cũng căn dặn cán bộ, đảng viên phải hết sức gần dân, gắn bó với dân, tôn trọng và lắng nghe nhân dân. Trong mọi hoạt động của đất nước, nhất là công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư rất quan tâm bằng nhiều chỉ đạo quyết liệt, nhưng cũng rất có lý, có tình, nhân văn, nhân ái. Những chỉ đạo đó đã thấm vào từng người dân, nhất là các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Khi còn làm Chủ tịch Quốc hội, đồng chí rất năng động, sáng tạo trong đổi mới hoạt động của Quốc hội. Khi làm Tổng Bí thư, đồng chí là tấm gương, trung tâm đoàn kết trong Đảng để tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tất cả mọi người có niềm tin, chỗ dựa. Đảng và Nhà nước ta đã tôn vinh, trao tặng đồng chí Huân chương Sao Vàng-phần thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước dành tặng người có thành tích, cống hiến đặc biệt xuất sắc. Đó là sự ghi nhận, khẳng định của Đảng, Nhà nước ta đối với công lao, đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong quá trình làm đại biểu Quốc hội, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng (lúc đó là Chủ tịch Quốc hội), tôi đã học được rất nhiều bài học ý nghĩa. Từ người lính ở chiến trường trở thành phóng viên Báo Quân đội nhân dân, tôi học tập được từ đồng chí rất nhiều ở cách viết, cách nói làm sao cho súc tích, đi thẳng vào vấn đề, thu phục lòng người. Đồng chí nói trên diễn đàn Quốc hội cũng thế, diễn đàn của Đảng cũng thế, rất hấp dẫn, đầy sức thuyết phục, đi vào lòng người. Tôi lấy ví dụ, khi làm Chủ tịch Quốc hội vào tháng 6-2006, đồng chí nói ngay đến việc củng cố cơ quan tham mưu, giúp việc là Văn phòng Quốc hội với vấn đề quan trọng nhất là con người. Đó phải là những người tham mưu giỏi, để Văn phòng Quốc hội không chỉ là cơ quan giúp việc mà phải là cơ quan tham mưu đắc lực cho Quốc hội và các cơ quan Quốc hội. Khi duyệt măng sét Báo Người đại biểu nhân dân trước đây, đồng chí nói, không cần phải là "Người đại biểu nhân dân", chỉ cần "Đại biểu nhân dân" thôi. Bởi vì "Đại biểu nhân dân" là người viết hoa rồi và với một ý nghĩa là người được hàng vạn cử tri bầu lên, cho nên đó là những người tiêu biểu. Vì thế, riêng chữ "Đại biểu nhân dân" đã là con người một cách trọn vẹn, đầy đủ ý nghĩa của nó nên chúng ta chỉ cần Báo Đại biểu nhân dân là đủ”. Tôi thấy cách giải thích đó rất có lý, có tình và chứng tỏ là đồng chí hiểu rất sâu sắc, rất bản chất ngôn ngữ, ý nghĩa cao quý của đại biểu nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Cà Mau ngày 20-2-2017. Ảnh: TRẦN NGUYÊN |
Tại một cuộc họp giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, tôi có phát biểu trên nghị trường: “Tham nhũng đã trở thành quốc nạn. Nếu không chặn đứng và đẩy lùi tham nhũng thì có nguy cơ quốc nạn hạ đo ván quốc sách. Đã là trọng bệnh thì phải dùng biệt dược, không thể xoa bóp ngoài da”. Giờ giải lao, đồng chí Nguyễn Phú Trọng gặp tôi bắt tay nồng ấm và nói rất thân tình: “Tiến phát biểu được đấy, có hình ảnh, quyết liệt, thuyết phục người nghe và thuyết phục các vị đại biểu Quốc hội”, đồng thời khuyến khích “cần có nhiều những bài phát biểu như thế trên diễn đàn Quốc hội”. Tôi rất cảm động vì đồng chí Tổng Bí thư lắng nghe rất sâu sắc phát biểu của đại biểu Quốc hội và còn nhận định, đánh giá, khích lệ thêm. Sau đó, bất chợt Tổng Bí thư hỏi: “Trước kia Tiến công tác ở đâu?”, tôi trả lời: “Trước kia em có thời gian dài công tác ở Báo Quân đội nhân dân”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “À, phóng viên Báo Quân đội nhân dân thì có bản lĩnh của người lính Cụ Hồ lắm”.
Tôi còn nhớ, Tết Nguyên đán 2007, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đến thăm một số gia đình cán bộ, công chức của Văn phòng Quốc hội. Mồng 2 Tết, đồng chí đến thăm gia đình tôi. Lúc đó, đường Văn Cao mới làm nhưng đường Quần Ngựa thì chưa làm, ngõ vào nhà tôi rất gập ghềnh, lầy lội. Mặc dù có thể đi xe vào nhà tôi nhưng đồng chí đề nghị để xe ở ngoài đi bộ vào, vì không muốn ngày Tết xe chạy rầm rập vào ngõ làm ảnh hưởng đến bà con, không tiện. Thế là đoàn-rất gọn nhẹ gồm đồng chí Nguyễn Phú Trọng cùng đồng chí thư ký, đồng chí bảo vệ-đi bộ vào nhà tôi. Không chỉ thăm nhà tôi, đồng chí còn ghé thăm, chúc Tết một số gia đình xung quanh, thể hiện một tác phong rất gần dân, trọng dân, lắng nghe nhân dân.
Đó là những kỷ niệm sâu sắc với đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà tôi nhớ mãi và đó cũng là tình cảm, sự kính trọng không chỉ của riêng tôi mà của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với đồng chí. Hy vọng rằng chúng ta học tập tấm gương đồng chí Nguyễn Phú Trọng thì sẽ luôn phát huy tốt những phẩm chất cao đẹp của người đảng viên trên từng vị trí, công việc đảm nhận. Tôi tin rằng, sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đảng viên kiên trung, mẫu mực, người học trò ưu tú, xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ được tiếp nối, phát huy một cách xứng đáng.
Thiếu tướng HOÀNG KIỀN, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh:
Người lãnh đạo gần gũi, tỉ mỉ, luôn quan tâm, lắng nghe
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cán bộ được đào tạo cơ bản, trưởng thành lên từ cơ sở cho tới các vị trí cao nhất của Đảng, Nhà nước, Quốc hội. Gần 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã chứng tỏ mình là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người cộng sản kiên cường, tấm gương sáng mẫu mực, một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam và là một nhà tư tưởng, nhà văn hóa, ngọn cờ lý luận của Đảng. Đồng chí không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta; sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân, được cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước kính trọng, ngưỡng mộ; bạn bè quốc tế trân trọng, đánh giá cao. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là con người có tầm nhìn chiến lược, sâu rộng, toàn diện, tư duy sắc bén, tổng kết thực tiễn rất sâu sắc, đã cùng với tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng vận dụng, phát triển rất sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam; quan tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; không ngừng bổ sung, hoàn thiện, lãnh đạo thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước, để đất nước ta “có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đồng chí luôn cho thấy sự kiên định, giữ vững nguyên tắc, kiên trì, bền bỉ, quyết tâm cao, gương mẫu giữa nói và làm, đấu tranh không ngừng nghỉ, đặc biệt là trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, sống rất giản dị, phong cách làm việc dân chủ, tận tụy, khoa học, tôn trọng, yêu thương con người.
Tôi nhớ có lần sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, tôi cùng hai đồng chí ở Ban Quản lý Dự án đường tuần tra biên giới, Bộ Quốc phòng vào làm việc với các cơ quan của Quốc hội thì gặp đồng chí Nguyễn Phú Trọng đi ở sân, thời điểm này, đồng chí vừa được bầu làm Tổng Bí thư và vẫn kiêm nhiệm Chủ tịch Quốc hội. Chúng tôi đến chào và chúc mừng đồng chí. Thấy vậy, đồng chí dừng lại chào và hỏi: “Các đồng chí bộ đội đi đâu đấy?”, tôi báo cáo là ở Ban Quản lý Dự án đường tuần tra biên giới vào làm việc với các cơ quan của Quốc hội để đề nghị bố trí vốn trái phiếu Chính phủ cho một số dự án còn thiếu. Tổng Bí thư chăm chú lắng nghe tôi báo cáo đầy đủ, hỏi thăm có những khó khăn gì và căn dặn phải cố gắng động viên anh em, ở nơi vùng sâu, vùng xa thì càng phải bảo đảm đầy đủ chế độ, tiêu chuẩn cho anh em, nhắc anh em giữ gìn sức khỏe để thực hiện tốt dự án có ý nghĩa quan trọng cả về quốc phòng, an ninh lẫn kinh tế-xã hội; còn thiếu vốn thì các đồng chí cứ báo các ủy ban của Quốc hội để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét. Chúng tôi chỉ là những người đi vào công tác trong cơ quan Quốc hội và thấy bác ấy đi ở sân rồi đến chào mà bác đứng lại nói chuyện cả chục phút đồng hồ, hỏi han mọi thứ rất gần gũi, thân tình. Đó là tác phong của người lãnh đạo gần gũi, tỉ mỉ, sâu sát, luôn quan tâm, lắng nghe cấp dưới và quần chúng nhân dân.
Cựu chiến binh LÊ BÁ DƯƠNG, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa:
Người cộng sản tận trung với nước, hiếu nghĩa với dân
Dẫu trong tâm trạng âu lo dõi theo từng diễn biến về sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một người mà chắc chắn không phải riêng tôi luôn đặt trọn vẹn niềm tin yêu, kính trọng tuyệt đối của mình, để rồi vẫn phải bàng hoàng, tiếc nuối khi nhận được tin chính thức về sự ra đi của ông nhưng đó là một sự ra đi mà không buông bỏ, kết thúc những gì ông đã tận tâm, tận trí, tận lực cho sự nghiệp xây dựng đất nước mạnh giàu, hạnh phúc, hơn thế, còn truyền cảm hứng cho các thế hệ công dân Việt Nam trọn vẹn lý tưởng cao đẹp, một niềm tin sắt son và tình yêu máu thịt đối với nhân dân, đất nước.
Có lẽ sau những cuộc trường kỳ kháng chiến cứu nước, quãng thời gian ông lần lượt giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước là quãng thời gian đất nước vặn mình trong những khó khăn, trắc trở, nhưng dưới sự chèo lái của Đảng, mà ông là người hoa tiêu đứng mũi chịu sào, chúng ta đã lần lượt vượt qua mọi khó khăn, vươn lên với những thành tựu không dễ có. Sẽ khó và không bao giờ đủ khi nói về người cộng sản Nguyễn Phú Trọng, một người cộng sản chân chính, một nhà lãnh đạo tận trung với nước, hiếu nghĩa với dân, mẫu mực về sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Một mẫu người gương mẫu nhất về sự giản dị, từ việc ăn mặc, đi lại, sử dụng các phương tiện chung đến đời sống sinh hoạt riêng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi, nhưng những gì ông đã sống trọn vẹn, xứng đáng với dân, với nước sẽ mãi mãi là nguồn cảm hứng truyền lại cho các thế hệ, kết nối chúng ta noi theo và đặc biệt với thế hệ trẻ trong và ngoài Quân đội, đó là sự nuôi dưỡng “Tâm trong-Trí sáng-Hoài bão lớn”, tận tâm, tận lực cho công cuộc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng đất nước đổi mới và vươn lên.
Nhà báo TRẦN NGUYÊN, phóng viên Báo Cà Mau:
Nhớ mãi hình ảnh vị lãnh đạo hiền từ, đôn hậu
Từ chiều 19-7, bầu trời nhuốm màu u buồn! Không khí ấy cũng tràn trên các nền tảng, các trang mạng xã hội. Hàng loạt tài khoản đồng loạt thay đổi ảnh đại diện, cập nhật cảm nghĩ... Tất cả là những tình cảm thiêng liêng, nỗi tiếc thương vô hạn, chân thành, sâu sắc dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng! Và, đã không ít nước mắt tuôn rơi, kính tiễn Tổng Bí thư!
Là phóng viên ảnh từ khi còn làm việc tại Báo ảnh Đất Mũi (trực thuộc UBND tỉnh Cà Mau), tôi thường được lãnh đạo phân công theo đoàn cán bộ cấp cao về thăm và công tác tại tỉnh. Vinh dự hơn khi được theo đoàn công tác Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu về thăm Đất Mũi vào ngày 20-2-2017. Khi đó, Đường Hồ Chí Minh vừa thông xe kỹ thuật, đường còn gập ghềnh, xa cả trăm ki-lô-mét từ TP Cà Mau, qua nhiều cầu. Đến Đất Mũi, ngỡ rằng Tổng Bí thư sẽ rất mệt mỏi. Song, vừa bước xuống xe ngay tại mũi đất cực Nam Tổ quốc, bác cười hiền từ, vẫy tay chào mọi người, ai cũng ấm lòng. Tuy lớn tuổi, vượt đường xa nhưng bác vẫn đi khắp các điểm tại mũi đất đến ấp Khai Long, xã Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau). Mắt bác rạng ngời hơn khi thấy rừng thẳm xanh, đất bồi mải miết. Trên bờ kè gió biển lồng lộng giữa hương rừng, bác cùng Bí thư Tỉnh ủy Dương Thanh Bình và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải lúc đó trò chuyện suốt về những công trình, định hướng lớn phát triển của tỉnh. Dường như giữa biển và rừng nơi cuối đất Việt Nam đã tăng thêm sức mạnh, sự dẻo dai, chân bác bước không ngừng, tầm mắt bao quát, nhân niềm vui, lòng đầy tự hào. Đây không phải lần đầu bác về thăm Cà Mau, mà năm 2009, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, bác cũng đã đến Đất Mũi. Khi đó, đường bộ chưa thông, về Đất Mũi phải qua nhiều khúc sông, cánh rừng bằng phương tiện thủy. Ngày trở lại, bác rất vui mừng về bước đường phát triển của địa phương. Bác về với Cà Mau như về với quê hương, tình cảm bác dành cho Cà Mau như tình cảm của người con xứ sở. Đôn hậu, hiền từ là những điều ai cũng cảm nhận được, Cà Mau đón bác như đón người thân trở về. Nay bác đã đi xa, nhưng những gì bác để lại mãi trường tồn. Từ Đất Mũi phương Nam gửi vạn tấm lòng tôn kính, nguyện tiếp tục con đường cách mạng, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày thêm vững mạnh.
Ông NGUYỄN VĂN ĐỰC, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp:
Đoàn kết, phát huy tốt thành quả của Tổng Bí thư gây dựng
Năm nay, tôi 75 tuổi và thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua truyền hình. Nhận được thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, tôi bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn. Đây là sự mất mát lớn của dân tộc, của Đảng, Nhà nước ta. Tổng Bí thư là tấm gương sáng bình dị, gần gũi, khiêm tốn, mẫu mực, một nhân cách lớn trong tác phong, phương pháp làm việc, tận tụy trong mọi việc, đã để lại sự kính trọng, tình cảm cao đẹp trong lòng mỗi người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế. Trong gần 3 nhiệm kỳ của Tổng Bí thư, có lần, đồng chí đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Đồng Tháp. Những chỉ đạo của đồng chí là định hướng lớn cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại những dấu ấn rất lớn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội; củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; đối ngoại... Tôi mong rằng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy tốt hơn nữa những thành quả này, nhất là công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống trong thời gian qua.